Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của mình về cho chúng tôi. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Kinh nguyệt không đều là hiện tượng khá phổ biến. Bất cứ thời điểm nào, bắt đầu từ khi dậy thì cho đến lúc mãn kinh, phụ nữ đều có thể bị rối loạn kinh nguyệt. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường vào khoảng 22 - 35 ngày, trong đó vòng kinh phổ biến nhất là 28 - 32 ngày. Thời gian hành kinh bình thường là từ 2 - 7 ngày, trong đó phổ biến nhất là 3 - 5 ngày.
Rối loạn kinh nguyệt có nhiều biểu hiện khác nhau, không chỉ là hiện tượng trễ kinh, vòng kinh ngắn hoặc dài hơn bình thường. Các chị em còn có thể gặp phải những dấu hiệu như là:
- Thời gian hành kinh kéo dài, máu ra nhiều: rong kinh, rong huyết
- Thời gian hành kinh ngắn, máu kinh ít: thiểu kinh
- Máu kinh thay đổi màu sắc bất thường: màu đen, hồng, loãng như nước hoặc có nhiều cục máu đông
- Ra kinh giữa chu kỳ (không phải trong ngày "đèn đỏ")
- Đau bụng kinh dữ dội: thống kinh...
Nói về tình trạng của bạn, nếu vòng kinh kéo dài trên 35 ngày thì được gọi chung là chậm kinh. Tuy nhiên, nó có nhiều mức độ khác nhau. Nếu trễ kinh 1 - 2 tháng, lượng máu kinh ra ít thì gọi là tắc kinh, còn nếu trễ kinh quá 3 tháng (thậm chí là 5, 6 tháng) thì được gọi là mất kinh (hay vô kinh thứ phát).
→ Vậy, như tình trạng bạn gặp phải là 5 tháng không có kinh nguyệt thì được xác định là vô kinh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, như là do căng thẳng, stress, rối loạn ăn uống, tập luyện thể thao quá sức, hay do một số bệnh lý như là hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm...
Bạn cần phải xác định được nguyên nhân thì mới khắc phục được tình trạng của mình. Thông thường, nữ giới dậy thì được một vài năm thì kinh nguyệt chưa ổn định là điều hay xảy ra. Đó là do rối loạn chức năng vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng. Mà đa phần, sự rối loạn này đến từ các vấn đề liên quan đến lối sống.
Vì thế, bạn hãy kiểm tra lại xem mình có hay căng thẳng, mất ngủ, lo lắng quá nhiều, ăn uống không điều độ hay tập thể dục quá đà hay không… Nếu có một trong những thói quen này, thì bạn nên điều chỉnh lại, để kinh nguyệt sớm ổn định.
Đối với trường hợp nữ giới bị vô kinh là do bệnh lý, ngoài việc quan sát các biểu hiện đặc trưng thì còn cần phải xét nghiệm hormone và thực hiện nhiều biện pháp chẩn đoán khác.
Do đó, chúng tôi khuyên bạn là nên tới bệnh viện, chuyên khoa nội tiết, gặp các bác sĩ nội tiết để được tiến hành chẩn đoán, giúp tìm ra nguyên nhân chính xác. Bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị khi mà chưa biết rõ tình trạng của mình là vì sao, mức độ thế nào, để tránh gây ra những hậu quả không mong muốn.
Chỉ những bác sĩ chuyên khoa mới có thể đưa ra được lời khuyên phù hợp nhất và phác đồ điều trị đúng với trường hợp của bạn. Hơn nữa, đừng vì ngại ngần mà trì hoãn việc khám bệnh, nếu để rối loạn kinh nguyệt kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản về sau.
Hy vọng rằng, với những giải đáp trên đây có thể phần nào giúp bạn gỡ rối thắc mắc của mình.
Chúc bạn khỏe mạnh.