Dân gian ta có câu phòng bệnh hơn chữa bệnh vì vậy kiểm tra bệnh đúng thời điểm là một trong những điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khoẻ bởi phát hiện càng sớm, càng dễ điều trị. Khám bệnh nào phụ thuộc vào độ tuổi và yếu tố nguy cơ, nhưng với phụ nữ nói chung, các bác sỹ gợi ý nên thực hiện các kiểm tra cần thiết sau:
U xơ tử cung: Ở giai đoạn đầu u xơ tử cung, u buồng trứng thường phát triển âm thầm không có triệu chứng, vì vậy người phụ nữ nên khám định kỳ 4- 6 tháng một lần để phát hiện sớm. Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện u xơ. Các phương pháp thông thường là:
Khám lâm sàng: U xơ thường làm cho tử cung to lên, tuy nhiên khi u còn nhỏ thì tử cung bình thường. Kinh nguyệt kéo dài, rong kinh, rong huyết. Tuy nhiên, nếu khối u ở xaniêm mạc gần phía bờ ngoài tử cung thì không bị rong kinh, rong huyết. Vì vậy, nếu u nhỏ không rong kinh, rong huyết thì phương pháp khám lâm sàng không thể phát hiện được.
Khám siêu âm: Có thể phát hiện được những u xơ tử cung nhỏ mà khám lâm sàng chưa phát hiện được. Các khối u mới phát sinh thường có kích thước nhỏ, vì vậy khám siêu âm giúp phát hiện sớm các khối u xơ. Tuy nhiên, việc phát hiện các khối u nhỏ còn tuỳ thuộc vào các yếu tố sau: Máy siêu âm hiện đại có độ phân giải càng cao, càng phát hiện được khối u có kích thước nhỏ; máy mới màn hình còn chất lượng càng cao, hình ảnh càng rõ nét. Kinh nghiệm của người làm siêu âm chuyên khoa phụ sản là yếu tố quan trọng nhất. Trừ một số khối u to lâu năm, kích thước trên 40mm bờ rõ, dễ dàng nhận định hình ảnh, còn hầu hết các khối u nhỏ dưới 30mm bờ không đều hoặc mới phát sinh thì vùng âm vàng khác biệt với cơ tử cung sẽ khó nhận định hơn nhiều. Vì vậy, đọc hình ảnh cần phải có một trình độ và kinh nghiệm. Ðầu dò siêu âm tạo những chùm tia siêu âm cắt qua tử cung theo từng lớp, tuỳ thuộc vào cách để đầu dò, nếu người làm siêu âm cắt lần lượt không hết từng lớp của cơ tử cung sẽ bỏ sót vùng có khối u. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải nhịn tiểu khi siêu âm và thời điểm làm siêu âm cũng ảnh hưởng đến sự chính xác và kích thước của khối u.
Ung thư cổ tử cung: Cổ tử cung là một phần của dạ con kéo dài đến khoang âm đạo. Nhiễm trùng HPV thời gian dài rất dễ dẫn đến nguy cơ ung thư tử cung. Làm xét nghiệm có thể tìm thấy các tế bào bất thường trên bề mặt tử cung có nguy cơ trở thành khối u. Việc kiểm tra có thể bắt đầu từ tuổi 21, vừa có tác dụng ngăn ngừa, vừa có thể chẩn đoán sớm. Hiện thế giới có 2 loại vaccine chính mang tên Gardasil và Cervarix dành cho em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi để ngăn chặn virus HPV, loại trừ bớt nguy cơ ung thư tử cung nhưng HPV không phải là “thủ phạm” duy nhất nên rất cần khám định kỳ.
Ung thư ruột kết: Đứng vị trí thứ hai trong các bệnh ung thư gây tử vong cao nhất và tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao thứ ba sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân chính là sự phát triển của các sinh vật đơn bào (polyp) phát triển dưới bề mặt của ruột kết, sau đó, khối u di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Cách ngăn chặn là phải loại bỏ các polyp đó trước khi chúng trở thành ung thư. Bằng phương pháp nội soi, các polyp nếu phát hiện được có thể cắt bỏ luôn. Với phụ nữ, nên xét nghiệm khi bước vào tuổi 50.
Chứng loãng xương: Xương ngày càng yếu, dễ gãy, đó là bởi xương trong cơ thể mất dần, nhất là đối với phụ nữ tuổi mãn kinh. Dấu hiệu đầu tiên là cảm giác đau ở phần xương khi bị ngã nhẹ hay chỉ là một cú vặn người. Kiểm tra mật độ chất khoáng trong xương vừa thấy được mật độ xương, vừa phát hiện chứng loãng xương. Phụ nữ trên 50 tuổi bắt đầu có nguy cơ loãng xương cao.
Huyết áp cao: Chứng bệnh này tăng theo độ tuổi, đồng thời liên quan đến cân nặng và thói quen sống. Huyết áp cao có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng mà không có triệu chứng trước. Nếu kiểm soát sớm huyết áp cao, có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hay hư thận. Thông thường với người trưởng thành, chỉ số huyết áp là 120/80, nếu từ 140/90 trở lên có thể coi là huyết áp cao.
Cholesterol: Mức độ cholesterol LDL cao là nhân tố chính gây ra các bệnh tim và chứng xơ vữa động mạch. Các bệnh này không hề có triệu chứng nhưng âm thầm phát triển trong nhiều năm. Kiểm tra máu có thể xác định thành phần LDL - cholesterol xấu, HDL - cholesterol tốt và lượng mỡ trong máu. Từ 20 tuổi trở lên, có thể làm xét nghiệm kiểu này 5 năm một lần. Thay đổi lối sống và dùng thuốc chữa bệnh có thể kiểm soát cholesterol.