Có những chị em có điều kiện sống rất tốt nhưng vì thiếu kiến thức chăm sóc bản thân nên vô tình mắc bệnh phụ khoa mà không biết. Chỉ đến khi biết mà đi khám thì bệnh đã trầm trọng hơn.
Trước đây người ta cho rằng chỉ những phụ nữ thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn hoặc khâu vệ sinh kém thì mới bị các bệnh phụ khoa. Nhưng ngày nay, bệnh phụ khoa ở nữ giới không có ngoại lệ cho bất kì chị em nào, cho dù đó là người sạch sẽ vô cùng. Thậm chí, có những chị em có điều kiện sống rất tốt nhưng vẫn bị bệnh phụ khoa.
Nhân viên văn phòng cũng bị bệnh phụ khoa
Theo một báo cáo thống kê của Trung tâm Hà Nội Medicare thì, trong số 205 nữ bệnh nhân là nhân viên văn phòng đến đây khám phụ khoa, thì có tới 183 người bị viêm âm đạo, cổ tử cung (chiếm 89,27%). Đặc biệt, trong 183 người này, có 55 người bị viêm nặng (chiếm 30,8%), trong đó, có tới hơn 50% số bệnh nhân bị viêm diện rộng.
Điều đáng lưu ý là những chị em này lại không phải là những người kém vệ sinh mà hoàn toàn ngược lại, họ rất sạch sẽ. Thậm chí, chị Hoàng Liên (Mai Động, Hà Nội) còn sạch sẽ đến mức “sắm” hẳn một hệ thống lọc nước tiên tiến, nước lấy từ vòi có thể uống được luôn. Hàng ngày, chị thường dùng nước đấy để vệ sinh “vùng kín”. Chị cũng chỉ dùng giấy vệ sinh và những dung dịch vệ sinh đắt tiền để giữ sức khỏe cho mình.
Thế nhưng, một tuần trước, chị phải đến phòng khám sản phụ khoa vì “vùng kín” của chị có biểu hiện ngứa kéo dài kèm theo đau âm ỉ bên trong bụng. Các bác sĩ kết luận chị bị viêm nhiễm âm đạo nặng và đang có dấu hiệu “ăn” vào buồng trứng, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử.
Khi được hỏi về nghề nghiệp và thói quen sinh hoạt hàng ngày, các bác sĩ ở phòng khám này đã biết được nguyên nhân gây bệnh của chị. Bởi tính sạch sẽ mà chị Liên thường có thói quen dùng vòi xịt để xịt vào âm đạo sau mỗi lần đi vệ sinh. Ở chỗ làm không có vòi xịt thì chị dùng giấy ướt để lau. Các bác sĩ cho rằng, việc thụt rửa đã làm cho vi trùng và virus gây bệnh có cơ hội “đi” sâu vào bên trong âm đạo. Hơn nữa, việc dùng giấy ướt để vệ sinh sẽ khiến âm đạo luôn ẩm ướt, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Chị Liên là nhân viên văn phòng, ngồi làm việc cả ngày với máy tính dưới nhiệt độ của điều hòa nên “vùng kín” càng không được khô thoáng, nguy cơ phát triển bệnh phụ khoa càng tăng.
Một số bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
- Viêm âm đạo: Thông thường, một khi khả năng kháng khuẩn tự nhiên ở âm đạo giảm đi thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, các yếu tố khác như vệ sinh cá nhân kém, vệ sinh trong giao hợp không được đảm bảo sẽ dẫn đến nhiễm kí sinh trùng như trùng roi, nấm…
Khi bị viêm âm đạo, chị em thường thấy các biểu hiện như: Có khí hư trắng hay hơi vàng, có khi đặc như mủ, niêm mạc âm đạo hơi đỏ (viêm âm đạo do tạp khuẩn), ngứa nhiều vùng âm hộ trước, trong và sau khi có kinh. Khí hư có màu trắng đục, loãng, có bọt, âm đạo viêm đỏ (viêm âm đạo do kí sinh trùng) và ngứa nhiều vùng âm hộ vào giữa chu kỳ kinh, khí hư đặc như bột, có ánh trắng, âm đạo có màu đỏ tím (viêm âm đạo do nấm).
Trong trường hợp bị viêm âm đạo, chị em cần vệ sinh bằng dung dịch diệt khuẩn, dùng kháng sinh và đặt thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước khi đi ngủ.
- Viêm lộ tuyến tử cung: Viêm lộ tuyến tử cung thường có nguyên nhân chủ yếu do viêm hoặc sang chấn như: rách cổ tử cung, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô bên trong cổ tử cung gây nên lộ tuyến.
Khi bị viêm lộ tuyến tử cung, chị em sẽ thấy các biểu hiện rõ rệt nhất là xuất hiện khí hư, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại. Nắn môi nhỏ giữa ngón trỏ và ngón cái sẽ thấy một khối to căng, rắn, tròn đều.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh chống viêm âm đạo và cổ tử cung để đặt trong 10-15 ngày. Nếu tổn thương rộng cần điều trị bằng phương pháp đốt nhiệt hoặc đốt điện.
- Viêm tử cung: Viêm tử cung thường gặp ở những phụ nữ sau khi sinh con, sảy thai, nạo thai, hút điều hòa kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể là do sót rau, dụng cụ đỡ đẻ không đảm bảo vô trùng, không vô khuẩn tốt khi bóc rau, thao tác nạo hút thai, lấy vòng không vô khuẩn, bế sản dịch sau đẻ…
Biểu hiện khi bị viêm tử cung là: 3-4 ngày sau đẻ hoặc sau sảy thai, người bệnh ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt trong người, mạch nhanh. Sau 1-2 ngày sốt cao, đau bụng vùng hạ vị, sản dịch ra nhiều, lẫn mủ, có mùi hôi. Tử cung to, mềm, đau. Nếu tiến triển mạn tính thì khí hư có thể ra nhiều, có khi có lẫn máu, sau đó dẫn tới viêm và có thể lan sang các phần phụ như buồng trứng, ống dẫn trứng.
Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh toàn thân liều cao. Người bệnh cần nâng cao thể trạng, sức khỏe và điều trị tích cực, đúng cách.
- Viêm phần phụ (ống dẫn trứng, buồng trứng): Khi bị viêm phần phụ, người bệnh thường có biểu hiệu như: đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, sốt cao, từng cơn hay liên tục. Khí hư nhiều, có mùi hôi lẫn mủ.
Trong trường hợp viêm phần phụ, phương pháp điều trị tích cực nhất là điều trị bằng kháng sinh liều cao theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần nghỉ ngơi, có thể chườm đá vùng bị viêm.
- Xói mòn cổ tử cung: Thật ra, đây chỉ là một bệnh viêm cổ tử cung mãn tính thường thấy ở nữ giới. Nguyên nhân của bệnh có thể là trong quá trình làm “chuyện ấy” bị tổn thương, cọ xát quá mức với bao cao su, thụt rửa sâu, nấm khuẩn… Nhưng, đa số bệnh xói mòn cổ tử cung không cần bất cứ trị liệu gì, cũng không có cảm giác khó chịu, nên rất nhiều người khi kiểm tra khám phụ khoa mới biết mình bị bệnh.
Mặc dù nói không nhất định phải trị liệu, nhưng không nên làm ngơ như nó không tồn tại. Xói mòn cổ tử cung thường có các biểu hiện như: khí hư ra nhiều, màu sắc khí hư từ trong suốt biến thành màu trắng hoặc vàng. Nếu khí hư có mủ, hoặc máu, mùi vị khác thường… thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, cũng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường này, bạn nên ngay lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra và trị liệu.
Xói mòn cổ tử cung vốn không ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh sản sau này. Nhưng một số người sau khi sinh, do kích thích tố thay đổi khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, song đối với bào thai, cơ bản không ảnh hưởng gì.