U xơ tử cung là loại u lành tính thường thấy nhất của tử cung.
U xơ tử cung có thể là một khối duy nhất hoặc nhiều khối khác nhau, kích thước có thể chỉ vài milimet, nhưng cũng có thể phát triển to gần đến xương ức, chiếm gần hết tử cung. Khối u xơ có thể phát triển chậm chạp, nhưng đôi khi lại rất nhanh.
Vị trí của u xơ có thể: dưới niêm mạc tử cung (nằm ở mặt trong tử cung), trong lớp cơ tử cung, dưới thanh mạc tử cung (nằm ở mặt ngoài tử cung), ở đáy, thân, eo hay cổ tử cung.
Sự phát triển của u xơ dường như cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố hormone, nhất là estrogen. Khi estrogen trong cơ thể tăng cao, u xơ tử cung thường to ra do sự tăng sinh các sơi cơ, mô cơ ở thành tử cung. U xơ có xu hướng phát triển suốt trong giai đoạn sinh đẻ của người phụ nữ và phát triển rất nhanh trong thai kỳ khi nồng độ estrogen tăng cao nhất. Sau mãn kinh khối u xơ thường thu nhỏ lại do nồng độ estrogen suy giảm. Một số hormone khác, như progesterone, cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. Vì thế, có những trường hợp u xơ tử cung chỉ được phát hiện trong lúc mang thai. Sau khi sinh xong, nội tiết tố giảm xuống và kích thước khối u cũng giảm từ từ.
Trong lúc có thai, u xơ tử cung sẽ mềm đi nhiều, có thể bị ép dẹp lại, và đây là yếu tố thuận lợi cho cuộc chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu nằm ở vị trí thấp, nó có thể cản trở việc đứa trẻ ra chào đời.
Trong thai kỳ, u xơ tử cung dưới phúc mạc có cuống có thể bị đẩy lên cao trên ổ bụng hoặc chui vào túi cùng Douglasvà dễ bị xoắn, bị kẹt trong túi cùng.
U xơ tử cung có thể gây các biến chứng trong thai kỳ như đau bụng âm ỉ hoặc đau nhẹ, có xuất huyết nhẹ. Các u nằm trong cơ tử cung dễ bị hoại tử do tắc nghẽn một mạch máu nuôi khối u, hoặc do u xơ bị chèn ép không to ra được. Biến chứng này ít có biểu hiện nên người bệnh khó biết; đôi khi có đau bụng, sốt nhẹ. Chỉ điều trị bằng thuốc thường là các triệu chứng sẽ hết.
Các biến chứng ít gặp: xuất huyết trong khối u hoặc xuất huyết vào trong ổ bụng; xoắn u xơ có cuống hoặc xoắn cả tử cung có mang khối u xơ; có dấu hiệu bất thường ở đường tiểu thường là do bàng quang bị kéo lên cao; nhiễm khuẩn hoại tử do vi khuẩn yếm khí trong thời kỳ hậu sản (hiếm xảy ra nhưng thường rất nặng).
U xơ tử cung có thể gây hiếm muộn do làm thay đổi lớp nội mạc tử cung, không thuận lợi cho sự làm tổ của trứng thụ tinh. Nó cũng có thể chèn ép, làm gập vòi trứng hoặc làm bít lỗ cổ tử cung. Với những người đã mang thai, nó có thể làm sẩy thai liên tiếp do lớp nội mạc không phát triển đầy đủ, và do buồng tử cung bị chèn ép, không phát triển to ra được. Sẩy thai trên tử cung có u xơ thường gây xuất huyết nhiều vì dễ sót rau và tử cung co hồi kém.
U xơ tử cung cũng có thể gây sinh non, dễ làm cho ngôi thai bất thường, rau bám ở vị trí bất thường (rau tiền đạo, rau cài răng lược). Nó cũng làm kéo dài cơn chuyển dạ. Những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ. Khi sổ rau, sản phụ có u xơ tử cung dễ băng huyết do sót rau hoặc do tử cung co hồi kém.
Trong thời kỳ hậu sản, thường là u xơ sẽ nhỏ lại, không gây biến chứng gì. Tuy nhiên, cũng có khi nó gây biến chứng nhiễm khuẩn, nhất là đối với các u xơ dưới niêm mạc. Những u xơ có cuống dễ gây biến chứng xoắn do ổ bụng rỗng đột ngột.
Vì vậy, những thai phụ có u xơ tử cung cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sẩy thai, sinh non bằng cách nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc chống co bóp tử cung. Nếu sẩy, nên nạo kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau.