Kinh nguyệt được coi là tấm gương phản ánh sức khỏe, sinh sản của nữ giới. Tuy nhiên tình trạng rối loạn kinh nguyệt lại khá phổ biến từ bé gái mới dậy thì đến phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt không những ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn là mối lo ngại không nhỏ đối với sức khỏe sinh sản của chị em.

Có nhiêu phương pháp điều trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt, dưới đây là một số phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt theo đông y.

Kinh nguyệt ra trước kỳ

Theo đông y kinh nguyệt ra trước kỳ kinh thường do nguyên nhân là huyết nhiệt. Biểu hiện là kinh sắc đỏ tươi, đỏ sẫm, lượng máu kinh nhiều, không có máu hòn, máu cục, người choáng váng, ngũ tâm phiền nhiệt, và khát nước. Để điều trị chứng này cần dùng: thanh nhiệt, lương huyết, điều kinh.

Dùng món ăn bài thuốc sau : trứng gà 2 quả, lá ngải cứu 30g, gừng tươi 3 lát. Trứng gà để cả vỏ, rửa sạch, lá ngải cứu cùng gừng rửa sạch. Tất cả cho vào nồi với 400ml nước đun cho chín. Lấy trứng ra bóc vỏ rồi cho vào đun tiếp 10 phút, bắc ra ăn trứng và uống nước canh.

Ngải cứu ôn ấm, điều hoà khí huyết, thông kinh, giải nhiệt, cầm máu. Gừng ôn ấm, trứng gà bổ khí huyết. Phối hợp lại có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, điều kinh, có tác dụng chữa kinh trước kỳ, điều hoà kinh nguyệt.

Kinh sau kỳ (kinh muộn, kinh sụt)

Kinh sau kỳ hay còn gọi là chậm kinh với những biểu hiện:  sắc kinh đỏ sẫm, có khi lẫn cả máu cục, máu đông, lượng kinh ít, hay đau bụng trước ngày hành kinh. Người mệt mỏi, bụng đầy, khó tiêu thường do hàn, huyết hư, huyết ứ do vậy phải ôn kinh, tán hàn, hoá ứ.

Dùng món ăn bài thuốc sau: gan dê (hoặc thịt dê) 100g, rau hẹ 50g, dầu ăn 30g, gia vị đủ ăn. Gan dê hoặc thịt dê thái mỏng, hẹ rửa sạch, cắt đoạn, cho dầu ăn vào chảo đun nóng, cho gan dê (thịt dê) xào chín săn, sau đó cho hẹ vào đảo nhanh rồi cho gia vị vừa đủ, bắc ra ăn lúc còn nóng.

Gan dê hoặc thịt dê có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, hẹ hành khí, ôn trung, tán hàn. Món ăn này có tác dụng chứa chứng kinh sau kỳ, điều hoà kinh nguyệt.

Bế kinh

Bế kinh triệu chứng sau khi đã hành kinh một thời gian nay lại không thấy kinh nữa. Có nhiều nguyên nhân gây ra bế kinh trong đó phải kể tới do khí uất, đàm thấp. Để chữa bế kinh phải điều khí, khai uất.

Có thể dùng món ăn bài thuốc sau : chim bồ câu (hoặc chim cút) 1 con, huyết kiệt 15g. Chim làm lông, rửa sạch, bỏ nội tạng cho bột huyết kiệt vào bụng chim, cho thêm một ít rượu đun cách thuỷ. Bắc ra ăn lúc nóng.

Chim bồ câu có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết điều kinh, huyết kiệt bổ huyết, khai uất, món ăn này có tác dụng chữa bế kinh, làm thông kinh.

Thống kinh (Đau bụng kinh)

Thống kinh hay còn gọi là đau bụng kinh. Với những biểu hiện là khi sắp đến ngày kinh nguyệt đau bụng dữ dội, thậm chí bỏ ăn uống, người mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khiến không thể làm gì được. Nguyên nhân đau bụng hành kinh là do khí trệ, huyết ứ, huyết hư và hàn tà. Phải dùng cách hoạt huyết, tán ứ, thuận khí, hành huyết để chữa.

Món ăn bài thuốc: mào gà trống 2 cái, rượu trắng 30 ml, mộc nhĩ 20g, bột hồ tiêu trắng 1g. Mào gà trống làm sạch, thái mỏng, mộc nhĩ rửa sạch, ngâm cho nở, thái chỉ. Cho mào gà trống, mộc nhĩ nấu với 400ml nước cho đến sôi, đun thêm 15 phút sau đó cho rượu, hồ tiêu và thêm gia vị vừa ăn, bắc ra ăn lúc nóng. Món ăn này có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, ôn trung, làm hết đau bụng.