Ung thư buồng trứng là 1 căn bệnh khó phát hiện sớm. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không hề có triệu chứng gì cho đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn. Dưới đây là một số nghiên cứu cho thấy có thể ngăn ngừa ung thư buồng trứng.

 

Cơ thể con người ta được cấu tạo từ nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thường, các tế bào lớn lên, phân chia và tạo ra nhiều tế bào khác khi cơ thể cần đến chúng. Quá trình này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên đôi khi các tế bào vẫn phân chia khi cơ thể không cần đến. Những tế bào thừa này hình thành nên 1 khối tổ chức mà người ta gọi là tăng sinh hoặc khối u. Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính.


Các khối u lành tính thì không phải là ung thư. Sau khi được lấy bỏ thì hầu hết không phát triển trở lại. Các tế bào trong khối u lành tính không lan tràn đến các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể. Điều quan trọng nhất là khối u lành tính rất hiếm khi đe doạ đến tính mạng

Khối u ác tính còn gọi là ung thư. Các tế bào trong loại khối u này là những tế bào bất thường, phân chia không theo nhu cầu của cơ thể và cũng không chịu sự kiểm soát nào của cơ thể. Chúng có thể xâm lấn và phá huỷ các mô và cơ quan xung quanh. Các tế bào ung thư có thể lan tràn từ nơi ban đầu đến các bộ phận khác ở xa trong cơ thể, quá trình này goi là sự di căn.

 

Khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng gọi là ung thư buồng trứng. Có nhiều loại ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng xuất phát từ bề mặt buồng trứng (còn gọi là ung thư biểu mô) là loại hay gặp nhất, trong khi đó những Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng (tế bào mầm) và Ung thư buồng trứng xuất phát từ mô nâng đỡ ở quanh buồng trứng ít gặp hơn.

 

Các tế bào ung thư buồng trứng có thể phát triển ra ngoài phạm vi buồng trứng và lan tràn đến các mô và cơ quan khác qua quá trình rơi rụng. Khi các tế bào u rụng ra, chúng có xu hướng cấy vào phúc mạc (1 màng lớn lót phía trong ổ bụng) và cơ hoành (1 cơ mỏng phân cách giữa ngực và bụng) để hình thành nên khối u mới. Ung thư buồng trứng cũng có thể gây nên dịch ổ bụng mà người ta còn gọi là dịch cổ trướng hay nước báng, làm cho bụng to lên và người bệnh có cảm giác đầy trướng.
Các tế bào ung thư buồng trứng cũng có thể chui vào máu hoặc hệ thống bạch huyết (các mô và cơ quan có trách nhiệm sản sinh và lưu trữ những tế bào bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn), khi đó các tế bào u sẽ đi nhiều nơi và và hình thành nên những khối u mới tại đó.

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng là 4,6/100.000 phụ nữ. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở tuổi trên dưới 50, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở tuổi trẻ hơn.

Vậy làm thế nào để làm giảm khả năng mắc bệnh này?  Một số nghiên cứu cho thấy cho con bú có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Các biện pháp này làm giảm số lần phóng noãn, và các nghiên cứu cho rằng giảm số lần phóng noãn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Những phụ nữ đã được phẫu thuật tránh thai như thắt vòi trứng hoặc cắt tử cung sẽ có ít nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Thêm vào đó, 1 số nghiên cứu cho thấy giảm lượng mỡ trong khẩu phần ăn có thể sẽ là giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

 

Ngoài ra việc sử dụng Aspirin và một số thuốc giảm đau thuộc nhóm kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) có thể giúp phòng tránh bệnh ung thư buồng trứng. Phát hiện trên đã góp phần khẳng định tác dụng chống ung thư của aspirin.

 

Tại một hội thảo gần đây của Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Mỹ, tiến sĩ Mike Xu và cộng sự đến từ Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fox Chase đã trình bày về khả năng kìm hãm sự tiến triển căn bệnh ung thư buồng trứng của Aspirin. Một loạt thử nghiệm cho thấy, loại thuốc này có thể khống chế hoạt động của protein Cox-2, một thành phần thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư ở cơ quan này.

 

Phát hiện trên của tiến sĩ Mike Xu đã góp phần khẳng định tác dụng tích cực của aspirin và nhóm NSAIDs trong việc phòng ngừa các bệnh ung thư. Một số nghiên cứu trước đó cũng thừa nhận việc sử dụng thường xuyên aspirin có thể ngăn ngừa căn bệnh ung thư vú, ruột, dạ dày và tuyến tuỵ. Hiện nhóm của tiến sĩ Xu đang tham gia vào một chương trình thử nghiệm quy mô về tác dụng của Aspirin và NSAIDs đối với bệnh ung thư do chính phủ tài trợ.