Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt liên tục bị mất ít nhất trong ba chu kỳ liên tiếp gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Bình thường khi đến tuổi dậy thì, bạn gái sẽ có hiện tượng kinh nguyệt. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn tuỳ từng người. Tuy nhiên, nếu đến 18 tuổi mà bạn gái chưa thấy có kinh hoặc đang có kinh tự nhiên thấy kinh nguyệt không xuất hiện nữa thì cần nghĩ đến hiện tượng vô kinh.
Khi nào được coi là vô kinh?
Vô kinh là hiện tượng không thấy kinh nguyệt trong một thời gian nhất định, khoảng thời gian đó có thể là 18 tuổi nếu chưa thấy kinh lần nào hoặc là ba tháng, sáu tháng nếu đã có kinh mà tự nhiên kinh nguyệt không xuất hiện nữa..
Phân loại:
Theo thời gian xuất hiện, có hai loại vô kinh là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là không có kinh nguyệt khi đã quá 18 tuổi. Vô kinh thứ phát là trước đó đã có kinh nguyệt nhưng vì lý do nào đó mà không thấy kinh nguyệt trở lại trong vòng 3 tháng nếu trước đó kinh nguyệt đều, hoặc 6 tháng nếu trước đó kinh nguyệt không đều.
Theo bản chất, có hai loại là vô kinh sinh lý và vô kinh bệnh lý. Vô kinh sinh lý là hiện tượng bình thường, ví dụ như phụ nữ trong thời kỳ có thai, cho con bú, phụ nữ mãn kinh. Vô kinh bệnh lý là hiện tượng không bình thường, do một hoặc nhiều bệnh nào đó gây ra.
Vô kinh nguyên phát:
Nguyên nhân: Không có tử cung, không có âm đạo, có vách ngăn âm đạo, màng trinh không thủng, teo tuyến yên bẩm sinh, teo buồng trứng bẩm sinh, rối loạn hoạt động enzym bẩm sinh của tuyến sinh dục, tuyến vỏ thượng thận …
Bạn có thể nhận thấy một cách tương đối hiện tượng rối loạn hóc môn sinh dục nữ qua việc quan sát những dấu hiệu nữ tính như sự phát triển của vú và lông mu. Nếu vú và lông mu không phát triển, tức là buồng trứng không hoạt động. Có thể do các nguyên nhân như: teo buồng trứng bẩm sinh, teo tuyến yên bẩm sinh.
Còn nếu vú, lông mu có phát triển, tức là buồng trứng có hoạt động khi đó nguyên nhân gây vô kinh có thể do không có âm đạo hoặc màng trinh không thủng (bế kinh, vô kinh giả), hoặc không có tử cung.
Hướng khắc phục: Nếu vô kinh nguyên phát có kèm theo đau bụng có chu kỳ, cần đi khám bệnh vì dễ là bế kinh, bạn cần sự giúp đỡ của các bác sỹ. Nếu vô kinh nguyên phát không kèm theo đau bụng, vú và lông mu có phát triển đôi chút, có thể chờ thêm tới tuổi 20 mới cần đi khám, vì ở Việt Nam có khá nhiều trường hợp có kinh muộn. Trong khi chờ đợi cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin, sống thoải mái, lành mạnh.
Vô kinh thứ phát:
Nguyên nhân: Có thể do dính buồng tử cung (sau nạo thai, lao sinh dục), suy sớm buồng trứng, mãn kinh sớm, khối u buồng trứng, rối loạn hoạt động nội tiết của tuyến vỏ thượng thận, tuyến giáp, hoại tử tuyến yên sau đẻ bị băng huyết, vú tiết sữa liên tục....
Bạn có thể sơ bộ định hướng một cách tương đối đến nguyên nhân của vô kinh thứ phát như sau:
• Nếu trước đó vài tuần bạn có quan hệ tình dục, sau đó có biểu hiện nghén, cương vú và đầu vú thâm thì có thể là do có thai.
• Nếu trước đó bạn đã nạo thai và sau khi nạo vài tuần bị mất kinh, đau bụng dưới, ra khí hư thì có thể là do dính buồng tử cung sau nạo.
• Nếu có mọc râu, mọc lông chân, lông bụng theo kiểu nam giới thì có thể do khối u buồng trứng tiết hóc môn nam (nội tiết tố nam), vỏ thượng thận tăng tiết hormon nam. Nếu không có những đặc điểm nam tính hoá nói trên thì có thể là do suy sớm buồng trứng (buồng trứng đã suy giảm chức năng, các nang noãn không còn tiết đủ hormon để làm thay đổi niêm mạc tử cung và gây ra kinh nguyệt).
Hướng khắc phục
Nói chung tất cả các trường hợp vô kinh thứ phát trên ba tháng đều nên đi khám bệnh để tìm rõ nguyên nhân. Trước tiên nên xác định xem có thai không (có thể thử nước tiểu). Nếu không phải do có thai thì nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt để có thể tìm được nguyên nhân và điều trị sớm.