Tam thất - Thuốc quý của chị em
Thành phần chủ yếu trong tam thất là saponin nhóm dammaran hàm lượng cao giống như trong nhân sâm, ngoài ra còn chứa các acid amin, các chất polyactylen, panaxytriol… Về khía cạnh nào đó, tam thất cũng bổ như nhân sâm. Tuy nhiên, có những mặt thì nhân sâm lại không thể sánh được với tam thất, như tác dụng cầm máu thì tam thất được coi như đầu vị.Về sinh học, tam thất có tác dụng tăng lực rất tốt giống như nhân sâm; tác dụng cầm máu; tiêu các cục máu đông, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành của động vật thí nghiệm. Làm tăng sức co bóp của cơ tim và giảm thấp sự tiêu hao ôxy của cơ tim; giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp; ngoài ra còn có tác dụng kích dục đối với chức năng nội tiết sinh dục nữ…Theo y học cổ truyền, tam thất có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, vào kinh can, vị, là vị thuốc rất đa công dụng. Tuy nhiên, chủ yếu là tác dụng vào phần âm huyết để cầm máu, tiêu máu cục và bổ máu nên được ưu tiên dùng cho chị em phụ nữ sau khi sinh để nhanh chóng lấy lại sức khỏe: Bài thuốc chọn một con gà nhỏ, loại gà ác (gà lông trắng, chân màu chì) tốt nhất. Sau khi giết gà, bỏ hết phủ tạng, cho khoảng 6 - 9g tam thất đã tán bột thô vào trong bụng gà, tần cách thủy. Một tuần lễ dùng 2 - 3 con. Ăn liền 3 - 4 tuần. Cách này cũng dùng tốt cho trường hợp bị thương mất máu, trĩ xuất huyết, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, băng huyết, đa kinh, sau sốt xuất huyết, sốt rét hoặc các trường hợp thiếu máu, da xanh gầy hay hoa mắt, chóng mặt… Ngoài ra, có thể dùng tam thất dưới dạng thuốc hãm hay thuốc bột, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 3 - 5g. Nếu chảy máu do vết thương bên ngoài, dùng bột tam thất tán mịn, băng, dịt vào vết thương. Liều dùng chung của tam thất 3 - 9g.