Ở độ tuổi sinh sản, phụ nữ rất dễ mắc phải bệnh u nang buồng trứng. Căn bệnh này phát triển âm thầm, thường lành tính nhưng vẫn tồn tại nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, ung thư hóa. Vì vậy, bạn cần nắm rõ thông tin về u nang buồng trứng để chủ động phát hiện, điều trị kịp thời.

Nam-ro-ve-u-nang-buong-trung-giup-nguoi-benh-phong-ngua-toi-da-rui-ro-do-benh.webp

Nắm rõ về u nang buồng trứng giúp người bệnh phòng ngừa tối đa rủi ro do bệnh

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là một khối u bất thường chứa đầy chất lỏng hoặc chất bán rắn, hình thành bên trong hoặc bên trên buồng trứng. Loại u này xuất hiện phổ biến ở nữ giới và có thể tồn tại ở nhiều kích thước khác nhau, từ nhỏ như hạt đậu đến lớn như một quả dưa (thậm chí còn có thể phát triển lớn hơn).

Đối tượng dễ mắc u nang buồng trứng

Theo thống kê, mọi lứa tuổi và mọi đối tượng phụ nữ đều có thể mắc u nang buồng trứng. Tuy nhiên, bệnh xuất hiện phổ biến hơn ở các chị em đang trong độ tuổi sinh sản và có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có tiền sử bị u nang buồng trứng trước đó.
  • Có mẹ hoặc chị gái bị u nang buồng trứng.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Bị rối loạn kinh nguyệt.

Phụ nữ sau mãn kinh thường ít bị u nang buồng trứng hơn nhưng lại có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. 

Các loại u nang buồng trứng

U nang cơ năng là loại u nang buồng trứng phổ biến nhất, hình thành khi quá trình rụng trứng diễn ra bất thường. Chúng thường lành tính, có thể tự biến mất trong từ 2 - 3 chu kỳ kinh nguyệt và  được chia làm 2 dạng chính:

  • Thể nang: Trong một chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng sẽ phóng ra một trứng vào khoảng giữa chu kỳ. Quả trứng này sẽ phát triển trong nang trứng cho đến khi chín. Lúc này, nang trứng sẽ phải vỡ ra để giải phóng trứng, nếu không sẽ hình thành nang noãn và phát triển thành u nang buồng trứng. Loại u nang này thường vô hại, không có triệu chứng và tự biến mất sau vài tháng. 
  • U nang hoàng thể: Nang trứng sau khi vỡ ra và giải phóng trứng sẽ co lại thành thể vàng, có chức năng sản xuất hormone (estrogen và progesterone) để thụ thai. Tuy nhiên, nếu nang không thể co lại, u nang hoàng thể sẽ hình thành và tích tụ chất lỏng bên trong. Loại u này có thể gây đau đớn, chảy máu hoặc xoắn buồng trứng và thường biến mất sau một vài tuần. 

Hinh-anh-u-nang-buong-trung-hoang-the.webp

Hình ảnh u nang buồng trứng hoàng thể

Các loại u nang khác không liên quan đến chức năng của chu kỳ kinh nguyệt bao gồm:

  • U nang thực thể: Hình thành từ các tế bào bao phủ bên ngoài trứng. Có nhiều dạng khác nhau như: U nang huyết thanh, u nang tuyến nhầy, u nang bì,... Chúng thường là khối u lành tính nhưng nguy cơ ung thư hóa cao hơn nhiều so với u nang cơ năng, cần đặc biệt chú ý.
  • Nang Dermoid: Hình thành từ các tế bào phôi, chứa các mô như răng, tóc hoặc da. Các khối u này còn được gọi là u quái, thường lành tính và hiếm khi gây ung thư hóa.
  • U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc: Hình thành do tình trạng lạc nội mạc tử cung (các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung và gắn vào buồng trứng, tạo thành khối u). 

Ngoài ra, ở một số trường hợp, buồng trứng có thể hình thành nhiều khối u nang nhỏ, được gọi là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng và khả năng mang thai của người bệnh.

Nguyên nhân gây u nang buồng trứng

Hiện nay, các nguyên nhân phổ biến được xác định gây nên tình trạng u nang buồng trứng bao gồm:

  • Vấn đề nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố hoặc sử dụng các loại thuốc tránh thai, thuốc hormone có thể là nguyên nhân dẫn đến hình thành u nang cơ năng.
  • Lạc nội mạc tử cung: Như đã đề cập ở trên, phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung có nguy cơ phát triển các khối u tại buồng trứng. Loại u nang này có thể gây đau trong kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ tình dục.
  • Thai kỳ: Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, u nang buồng trứng có thể phát triển để hỗ trợ thai kỳ cho đến khi hình thành nhau thai. Trong một số trường hợp, khối u này vẫn có thể tồn tại sau khi mang thai và cần phải cắt bỏ.
  • Nhiễm trùng vùng chậu: Tình trạng nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng có thể lây lan đến buồng trứng, từ đó gây ra các khối u nang. 
  • Tiền sử u nang buồng trứng: Nếu đã từng có khối u nang ở buồng trứng, bạn có khả năng mắc những khối u nang buồng trứng khác. 

Triệu chứng nhận biết u nang buồng trứng

U nang buồng trứng có các triệu chứng khá mơ hồ, nhiều trường hợp còn không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi kích thước khối u tăng dần, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn. Cụ thể như:

  • Đau đớn khi đi tiêu.
  • Chướng bụng hoặc sưng tấy.
  • Đau vùng chậu trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau trong khi quan hệ tình dục.
  • Căng tức ngực.
  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Đau ở vùng đùi hoặc lưng dưới.
  • Rối loạn kinh nguyệt.

U-nang-buong-trung-thuong-di-kem-voi-cac-dau-hieu-dau-am-i-vung-chau.webp

U nang buồng trứng thường đi kèm với các dấu hiệu đau âm ỉ vùng chậu

XEM THÊM: Biết sớm dấu hiệu u nang buồng trứng, tránh những hệ lụy khó lường

Ngoài ra, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu u nang buồng trứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Đau vùng chậu nhiều và nghiêm trọng.
  • Sốt.
  • Chóng mặt, ngất xỉu.
  • Thở nhanh.

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng bị xoắn hoặc bị vỡ. Cả hai biến chứng này đều cần được điều trị kịp thời, nếu không sẽ để lại hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. 

U nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Trong một số trường hợp, u nang buồng trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xoắn nang, vỡ nang, xuất huyết, thậm chí là gây vô sinh. 

U nang buồng trứng xoắn

Xoắn nang thường xảy ra ở khối u kích thước nhỏ, có cuống dài và không dính. Tình trạng này có thể gây thiếu máu, hoại tử buồng trứng. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong (do khối u vỡ, hoại tử). Các dấu hiệu nhận biết biến chứng này bao gồm: đau dữ dội, đột ngột (tại vị trí buồng trứng), người bệnh nôn ói, vã nhiều mồ hôi. 

Vỡ nang buồng trứng

Nếu không được phát hiện sớm, u nang buồng trứng có thể phát triển âm thầm, ngày càng tăng kích thước và vỡ ra. Trường hợp này thường xảy ra ở các u nang nước vỏ mỏng, gây đau đớn dữ dội và chảy máu. Ngoài ra, vỡ nang còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng, vỡ ung nang buồng trứng xuất huyết. Người bệnh lúc này cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay. 

U nang buồng trứng xuất huyết

U nang buồng trứng xuất huyết chính là biến chứng phổ biến nhất của bệnh u nang buồng trứng. Biến chứng này xảy ra khi các mạch máu trên thành của khối u bị vỡ. Từ đây máu sẽ tràn ra nang, khiến nang to lên từ từ. Lúc này, người bệnh cần phải được theo dõi sát sao để đảm bảo kích thước khối u vẫn nằm trong giới hạn, không gây nguy hiểm.

Có một số dấu hiệu nhận biết biến chứng này, bao gồm: Đau vùng chậu, vùng hạ vị (vị trí buồng trứng) với cơn đau dữ dội, bất ngờ, đau âm đạo và rỉ máu, đau sau quan hệ tình dục hoặc luyện tập gắng sức. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị rối loạn kinh nguyệt, buồn nôn và ói mửa. Trường hợp bệnh nhân đau nhiều, u nang chảy máu nhiều hay phát triển to, phẫu thuật cắt khối u nang sẽ được chỉ định.

dau-vung-chau-dot-ngot-va-du-doi-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-bien-chung-u-nang-buong-trung-xuat-huyet.webp

Đau vùng chậu đột ngột và dữ dội có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng u nang buồng trứng xuất huyết

Biến chứng liên quan đến chức năng sinh sản

U nang buồng trứng, đặc biệt là u nang thực thể có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản (sinh non, sảy thai, khó đẻ,...), làm giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ. Đặc biệt, nếu khối u phát triển với kích thước quá lớn ở cả 2 bên buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh.

Chẩn đoán u nang buồng trứng

Vì dấu hiệu của u nang buồng trứng thường không đặc trưng nên nhiều trường hợp được chẩn đoán một cách tình cờ khi người bệnh khám phụ khoa định kỳ. Lúc này, các bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng, đặc điểm cơn đau và tiến hành một hoặc nhiều các xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Siêu âm vùng chậu: Phương pháp này phổ biến, an toàn và không gây đau. Sóng siêu âm sẽ cho biết hình ảnh, cấu trúc tử cung, buồng trứng của bạn. Từ đó, xác định rằng bạn có bị u nang hay không và xác định được chính xác vị trí của nó.
  • Xét nghiệm CA125: Thực hiện xét nghiệm máu để tìm nồng độ protein mang tên CA 125 (kháng nguyên ung thư 125) từ đó xác định u nang buồng trứng và xem liệu rằng khối u này có ác tính hay không. Xét nghiệm này cũng được áp dụng ở người bệnh u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu. 
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI): các phương pháp chẩn đoán này có thể được sử dụng thêm khi siêu âm vùng chậu không kết luận được hoặc kết quả CA125 vượt mức bình thường.

Làm sao để điều trị u nang buồng trứng?

Không phải trường hợp u nang buồng trứng nào cũng cần điều trị vì khối u có thể tự biến mất sau một thời gian. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cho bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng hiện nay gồm: Thuốc, phẫu thuật và sử dụng thảo dược hỗ trợ. 

Bac-si-se-chi-dinh-phuong-phap-dieu-tri-u-nang-buong-trung-phu-hop-vao-tinh-trang-benh-cua-ban.webp

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị u nang buồng trứng phù hợp vào tình trạng bệnh của bạn

XEM THÊM: 10 cách trị u nang buồng trứng tại nhà hiệu quả, an toàn

Sử dụng thuốc

Các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc tránh thai hoặc hormone thường được các bác sĩ chỉ định. Chúng không làm các khối u nang nhỏ đi hoặc biến mất nhưng giúp điều trị triệu chứng và ngăn ngừa việc xuất hiện các khối u mới.

Phương pháp phẫu thuật

Những khối u có kích thước lớn, không biến mất và gây ra nhiều biến chứng cần phải phẫu thuật để giải quyết sớm,. Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh bị u nang buồng trứng cũng khuyến khích nên phẫu thuật vì nguy cơ ung thư hóa cao. 

Bác sĩ có thể chỉ phẫu thuật lấy khối u hoặc cắt toàn bộ buồng trứng tùy vào tình trạng bệnh của bạn. Các phương pháp phẫu thuật u nang buồng trứng bao gồm:

  • Nội soi ổ bụng: Dành cho các u nang nhỏ. Bác sĩ sẽ dùng công cụ mỏng có đèn soi và camera, luồn qua một vết cắt nhỏ ở bụng để quan sát bên trong và loại bỏ khối u nang. Phương pháp này an toàn và khá nhanh chóng.
  • Phẫu thuật mở bụng: Dành cho các khối u nang lớn hơn hoặc có thể là ung thư buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ u nang với một vết cắt lớn hơn ở bụng.

Sử dụng thảo dược hỗ trợ

Thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh u nang buồng trứng đang được nhiều người bệnh hướng đến bởi tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng lâu dài. Trong đó, tiêu biểu nhất là các sản phẩm có thành phần chính từ trinh nữ hoàng cung, kết hợp hoàng kỳ, hoàng cầm, khương hoàng. 

Các thảo dược này đem đến tác dụng rất tốt cho người bị u nang buồng trứng: giảm kích thước khối u nang buồng trứng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu các triệu chứng do bệnh (đau bụng, ngứa ngáy, rong kinh,...), giảm tỷ lệ phẫu thuật. Ngoài ra, khi sử dụng thời gian dài, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược cũng không gây ra tác dụng phụ, rất lành tính.

Hinh-anh-cay-thao-duoc-trinh-nu-hoang-cung-thuong-duoc-dung-ho-tro-dieu-tri-u-nang-buong-trung.webp

Hình ảnh cây thảo dược trinh nữ hoàng cung thường được dùng hỗ trợ điều trị u nang buồng trứng

Điều bạn cần lưu ý ở đây là cần chọn sản phẩm có uy tín, tồn tại lâu năm trên thị trường và đã được chứng minh lâm sàng về tác dụng  hỗ trợ điều trị u nang buồng trứng. Từ đó, hạn chế tối đa việc gặp phải các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sức khỏe. 

Giải pháp phòng ngừa u nang buồng trứng 

Hiện nay, không có phương pháp chính xác nào được xác định là có thể ngăn ngừa u nang buồng trứng. Tuy nhiên, bạn có thể tuân thủ một số lưu ý sau để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa tái phát sau khi đã chữa khỏi:

  • Khám phụ khoa thường xuyên, đặc biệt là khi có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. (rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt kéo dài,...).
  • Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...
  • Uống đủ từ 1,5 - 2 lít/ngày.
  • Ngủ đủ một ngày 8 tiếng.
  • Tập thể dụng thường xuyên, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như bài tập hít thở, duỗi cơ, yoga,...
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực, stress.

Bệnh u nang buồng trứng có thể xuất hiện ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi. Tuy khá lành tính nhưng căn bệnh này vẫn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy bạn chớ nên chủ quan. Hãy chủ động nắm rõ những thông tin của bệnh, tuân thủ hướng dẫn bác sĩ cũng như sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cysts/symptoms-causes/syc-20353405

https://patient.info/womens-health/pelvic-pain-in-women/ovarian-cyst

https://www.webmd.com/women/guide/ovarian-cysts

https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/ovarian-cysts